Site icon J88

Từ thất bại của U20 Việt Nam, cần cách làm khác cho bóng đá trẻ

Sự việc - Ý kiến: Từ U20, cần cách làm khác cho bóng đá trẻ - Ảnh 1.

Đội U20 không thể giành quyền vào VCK châu Á, lần đầu tiên kể từ năm 2008, đó không phải là chuyện bất ngờ nếu xét trên bối cảnh sa sút hiện tại của bóng đá Việt Nam. Và khi sự sa sút ấy mang tính hệ thống, thì vấn đề không còn thuộc về một đội tuyển cụ thể nào, mà là cả quy trình cho các tuyến U.

Dễ thấy nhất trong thất bại của U20 Việt Nam đó là non kinh nghiệm trận mạc. Đá sân nhà, chỉ cần 1 điểm, nhưng cách triển khai lối chơi lại không chủ động và để thua bằng phản lưới nhà. Diễn biến trận đấu cho thấy U20 Việt Nam không có những bài vở rõ ràng để hướng đến kết quả có lợi. Nói cách khác, tư duy chiến thuật của cầu thủ U20 còn yếu, bên cạnh kỹ thuật cơ bản kém xa so với những lứa U trước. Thất bại này, nói cho cùng chỉ là hệ quả tất yếu của việc thiếu sân chơi thường xuyên cho những cầu thủ trẻ tại Việt Nam.

Trước đây ở đội U19 có cặp bài trùng GĐKT Gede – HLV Hoàng Anh Tuấn, họ cùng tạo ra một thế hệ vàng son cho bóng đá trẻ Việt Nam mà đỉnh cao là dự U20 World Cup 2017. Nhờ có 2 nhân vật này, mà khi được gọi lên đội tuyển U, thì những cầu thủ gần như sẽ học về chiến thuật ở trên đội tuyển với khoảng thời gian nhiều hơn ở cấp CLB.

Đó là giải pháp cho việc cầu thủ trẻ thiếu các trận đấu để rèn giũa tài năng. Nhưng như đội U20 do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt, thì đến ngày tập trung vẫn còn thiếu người, thời gian chuẩn bị ít, rất khó để họ nắm bắt về chiến thuật, điều vốn đã rất khó đối với cầu thủ trẻ.

Mặc dù chúng ta có khá đầy đủ giải đấu từ U13 đến U21, nhưng điều bất hợp lý là số lượng các trận đấu ở các lứa U gần như ngang nhau. Trong khi đó, từ U19 đến U21 lẽ ra phải có số trận gấp 2 hoặc 3 lần so với các lứa tuổi vẫn còn đang ở giai đoạn đào tạo (U15 – U17). Trong bối cảnh mà các CLB chuyên nghiệp không mạo hiểm sử dụng cầu thủ trẻ, thì lại càng phải có thêm sân chơi cho các đội U. Kinh nghiệm thi đấu cũng như khả năng hoàn thiện kỹ, chiến thuật, từ đó mà ra chứ đâu.

Nên chăng đã đến lúc VFF cũng như Công ty VPF và các CLB phải chung tay với nhau xây dựng một Youth V-League, tức là một giải đấu dành riêng cho các cầu thủ U21 với các cầu thủ đã “ra trường” từ 18 đến 21 tuổi, thay vì chia nhỏ ra các giải vô địch U17, U19 hay U21 quốc gia như hiện nay khiến mỗi năm chỉ đá được tối đa 10 trận.

Để tiết kiệm chi phí, có thể áp dụng mô hình thi đấu theo khu vực theo cách mà bóng đá châu Á cũng đang áp dụng để giúp các đội bóng hạn chế di chuyển xa. Nếu làm được điều này, một cầu thủ U19 có thể chơi được 20 trận/mùa và chơi như vậy đến 3-4 năm trước khi được chọn vào đội 1 của các CLB.

Nói cách khác, sự đầy đủ các giải đấu cho lứa U không quan trọng bằng số trận đấu để họ được chơi bóng thường xuyên. Việc đoạt chức vô địch các giải U đâu quan trọng bằng việc được chọn lên đội tuyển hay vào đội hình chính của CLB để đá V-League. Tầm U20 mà kỹ, chiến thuật vẫn chưa hoàn thiện, thì quy trình làm bóng đá trẻ của chúng ta rõ ràng là cần phải thay đổi.

Exit mobile version