Site icon J88

“Tạo hương” Đông Sơn (kỳ 2): “Đốt trầm” thưởng hương ngàn năm

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 2): "Đốt trầm" thưởng hương ngàn năm - Ảnh 1.

Như đã hẹn với độc giả từ tuần trước, buổi “rì rầm” hôm nay chúng ta sẽ đi sâu hơn vào bộ dụng cụ tạo hương Đông Sơn.

1. Từ khi loài người biết “thưởng hương” (thưởng thức hương thơm), có lẽ cũng chỉ vài ba chục ngàn năm về trước mà thôi, mà ở ta, như đã nói đến từ kỳ trước, có thể đẩy tới 13 ngàn năm với bằng chứng của loại hạt gia vị tạo thơm “mắc khén” (Zanthorium) phát hiện trong tầng B5 cuộc khai quật Con Moong năm 1986 – 1987 do chính tác giả tiến hành.

Trải hàng chục ngàn năm lịch sử khai thác, sử dụng nguyên liệu tạo hương, từ việc dùng trực tiếp những vật liệu tạo hương tự nhiên như các loài hoa, lá, quả, nấm để tươi hay đã khô bằng những móc treo đơn giản, đến việc dùng nhiệt để tăng độ khuếch tán của hương (đun nóng trực tiếp, hấp, nướng, đốt…) , nghiền nhỏ trộn với các dạng keo từ đất hay dầu, nhựa động thực vật để có thể mang đi xa, dùng lâu dài như dạng “kem” (cream), sáp sau này. Cuối cùng, rất gần đây thôi, sớm nhất từ thời các Pharaoh Ai Cập hay các hoàng đế Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa cổ đại… với kỹ nghệ trưng cất đã đưa nghệ thuật tạo hương đến đỉnh cao mới tạo tiền đề cho những thứ mà ngày nay đang lan tràn, phổ biến – nước hoa (Eau de Parfum).

Các quý tộc Đông Sơn cũng từng trải nghiệm trong một giai đoạn của tiến trình đó. Bằng chứng để lại cho chúng ta chỉ còn lại dưới ba dạng hình cổ điển nhất: Thứ nhất là cách dùng trực tiếp vị thơm từ những hương liệu tự nhiên (mùi thơm của hoa, vỏ cây, nhựa gỗ tươi…). Thứ hai là tạo nhiệt bằng cách hấp, đun nóng và nướng, đốt để gây khuếch tán hương thơm đi xa hơn từ những vật liệu mang hương tự nhiên, và cuối cùng là nghiền các vật liệu tạo hương thành bột để trộn với các loại keo khoáng, dầu, mỡ, nhựa cây… như kiểu dầu cao Con hổ, Trường Sơn để có thể tiện lưu giữ, dùng ngay và mang theo mình khi đi xa.

Bằng chứng cho cách dùng thứ nhất chỉ còn đọng lại trong cách chọn gỗ quan tài và việc đặt một số quả gây thơm bên người chết. Trong cuộc khai quật do tôi trực tiếp tham gia năm 2004 ở Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam), quan tài thân cây khoét rỗng chôn em bé được chế từ một thân cây gỗ quế. Đồ chôn theo em bé có nhiều dưa thơm (hương qua). Trong mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn ở Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) và Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên) mà tôi cũng được trực tiếp tham gia, đã phát hiện mỗi mộ hai quả tạo thơm gần giống thảo quả… Trong các mộ khai quật ở Phú Chánh (Bình Dương) thấy nhiều quả cau. Trầu cau cũng là một kiểu tạo hương phổ biến đương thời.

Cách tạo thơm thứ hai để lại cho chúng ta hàng trăm lồng “đốt trầm” bằng đồng được trang trí rất cầu kỳ và thói quen dân gian “xông” người, nhà cửa, vườn tược bằng những lá cây, củi cành… với những vị như hương nhu, xả, lá bưởi, mùi… Mảnh nồi còn dính lớp lá dong bên trong mà tôi thu thập được ở Làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) gợi mở rất nhiều cho cách tạo hương bằng việc nấu các loại lá thơm, như cách chúng ta vẫn đang nấu cây mùi tắm tất niên, tạo thơm, tăng lộc vậy.

Bằng chứng cho cách tạo hương thứ ba chính là những dụng cụ dạng hộp nhỏ bằng đồng hay đồ sơn mài trang trí, tạo hình rất quý tộc. Bên cạnh chức năng chứa đồ tạo màu trang điểm (son, phấn…) còn có những phần hộp chứa các dạng “kem” thơm đó nữa.

2. Nhân đây, như đã hứa hẹn từ tuần trước, tôi muốn giới thiệu những bằng chứng minh văn trên đồ đồng Đông Sơn liên quan đến chữ “Mùi”. Cho đến nay tôi đã trực tiếp phát hiện và nghiên cứu ba tiêu bản Đông Sơn có chữ “Mùi” trong dòng minh văn chữ Hán. Chi tiết, bạn đọc có thể tìm đọc trong tạp chí Khảo cổ học năm 2007, trong Những Phát hiện mới về khảo cổ học 2014 hoặc trên website của tôi www.drnguyenviet.com. Ở đây chỉ có thể tóm tắt rằng từ thời Đông Sơn, khi sử dụng chữ Hán khắc trên một số đồ đồng Đông Sơn quý, như thạp, trống, bình… thì đã xuất hiện chữ “Mùi” tương tự chữ “Mùi” trong can chi “tý, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi…”. Tuy nhiên chữ “Mùi” trong các minh văn Đông Sơn thường thay thế cho âm “Vị” khi đi cùng với chữ “Địa” và “Đệ”, tạo thành một cặp từ “Địa Vị”, “Đệ Vị” (vị trí, thứ hạng).

Với nghĩa Việt cổ thì “mùi”, “vị” rất gần gũi và có thể thay thế cho nhau, cùng mang ý nghĩa tích cực, gắn với mùi thơm và vị ngon. Sinh thời, giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn cũng đã từng có những chuyên khảo về hiện tượng này. Do khuôn khổ bài viết tôi không dám sa đà lạc đề về câu chuyện ngôn ngữ thú vị này. Tuy nhiên, đây cũng là một bằng chứng rất thuyết phục khẳng định năng lực “thưởng hương” Đông Sơn đã tới đỉnh cao tinh tế của nó, tương tự như cách chúng ta thẩm âm, nghe hát ngày nay mà cứ khen sao giọng nó “mùi” đến vậy!

3. Bằng chứng khảo cổ Đông Sơn cho cách tạo hương, thưởng hương thứ hai còn lại khá nhiều ở bộ dụng cụ đốt trầm bằng đồng quý tộc mà suốt chuỗi bài nói về tạo hương Đông Sơn sẽ lần lượt điểm qua… Bằng chứng cho việc tạo giữ hương thứ ba cũng còn lại một số hộp đồng và sơn mài chứa đựng vật liệu tạo thơm, làm đẹp.

Phần còn lại hôm nay cũng như những tuần sau tôi muốn dành cho mô tả, phân tích những hiện vật Đông Sơn tiêu biểu nhất cho nghệ thuật “thưởng hương”. Đó là gần trăm lồng “đốt trầm” các kiểu đã được phát hiện và công bố.

Trước hết, xin giải thích việc dùng thuật ngữ “lồng đốt trầm” cho các hiện vật loại này. Việc dùng chữ “trầm” chỉ là một lạm dụng cho dễ hiểu, chứ quả thực tôi chưa thực hiện bất kỳ việc phân tích resine nào để khẳng định thứ hương liệu được đốt ở trong là “trầm hương”. Tuy nhiên, khoảng niên đại Đông Sơn, nhất là thời kỳ Giao Chỉ (khi Đông Sơn dưới quyền kiểm soát hành chính của nhà Hán) thì thư tịch đã từng ghi chép nhiều đến khai thác và buôn bán trầm hương.

“Lồng đốt trầm” Đông Sơn thường có dáng hình cầu hay hơi dẹt giống quả thị, đường kính khoảng 10-12cm. Một lồng đốt như vậy thường gồm ba phần: Bầu đựng vật đốt tạo hương trông hơi giống cái bát, đúc kín, bên trên là một nắp đậy được tạo hình như đan lát tạo các lỗ thoát khói với nhiều hình hoa lá, chim với trọng tâm thường là một con chim công đực có bộ đuôi đẹp. Nắp đều có bản lề để dễ dàng mở ra đóng lại. Cuối cùng là một tay cầm đính vào phần thân đế bên dưới. Hình trang trí khá ổn định ở tay cầm này là đầu rồng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ mà tôi sẽ dành trọn buổi “rì rầm” tuần sau mô tả, phân tích cặn kẽ. Đó là lồng đốt trầm có phần tay cầm là một tượng nam thần hương liệu đang quỳ, hai tay ôm đỡ một lồng đốt trang trí khá cầu kỳ. Nghệ nhân Đông Sơn đã tạo tác ra một tác phẩm rất quý giá, đồng thời kín đáo gửi gắm lại nhiều thông điệp liên quan đến nghệ thuật và tâm linh thưởng hương đương thời. Các bạn tò mò có thể đến ngắm hiện vật gốc tại bảo tàng nhà hàng Trống Đông Sơn (Dong Son Drum Restaurant) trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội).

(Còn nữa)

Exit mobile version